Sự kiện
Điểm danh 11 món mì ngon khó cưỡng của nền ẩm thực “xứ Phù Tang”
Nhật Bản là cả một “thế giới” các món mì phong phú và đa dạng khiến nhiều người thích thú tìm hiểu. Với mỗi phong cách chế biến, mì sẽ mang những tên gọi khác nhau và có hương vị đặc trưng riêng. Điều này đôi khi khiến cho thực khách không khỏi bối rối khi lựa chọn loại mì để thưởng thức.
1. Ramen
Ramen được nhiều người biết đến là một phát minh của Nhật Bản, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhiều nguồn cho rằng Ramen có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng người ta không rõ nó được du nhập vào Nhật Bản từ khi nào. Nhiều nguồn khác cho rằng nó được phát minh ở Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20.
Theo một số tài liệu, vào năm 1665, lãnh chúa Tokugawa Mitsukuni chính là người đầu tiên được nếm thử món mì của Trung Quốc do một Khổng gia thết đãi. Sau đó, năm 1884, một cửa hàng ở thành phố Hakodate đã quảng cáo thông tin phục vụ món “Soba Nam Kinh” trên Thời báo Hakodate. Mì Soba Nam kinh chính thức được xuất hiện tại Yokohama vào giữa thời đại Meij và mì Ramen chính thức được phục vụ tại Rairaiken ở Asakusa vào năm 1910. Năm 1937, cơn sốt mì Ramen đã lan rộng khắp Nhật Bản và kể từ đó, Ramen đã được người Nhật ưa chuộng, đến nỗi mỗi vùng miền ở Nhật Bản đều có loại Ramen của riêng mình.
Ramen bao gồm: những sợi mì (được làm từ 4 nguyên liệu như: bột mì, nước, muối và nước tro tàu), nước dùng (thường nấu từ xương heo, xương gà hoặc cá, đồng thời kết hợp với các nguyên liệu khác như: nấm hương, tảo bẹ, vụn cá ngừ vằn phơi khô bào, cá mòi bé phơi khô và hành tây). Để tăng thêm hương vị cho món mì, Ramen sẽ được thêm vào một số loại đồ ăn kèm như: Thịt heo (gồm Chashu – thịt xá xíu; Kakuni – thịt viên được hầm với nước tương và rượu Mirin; Bacon – thịt xông khói); Rau củ tươi (gồm có hành lá, tỏi băm, giá đỗ, hạt bắp và bắp cải,…); Rau củ khô (gồm có: nấm kim châm, mộc nhĩ, rong biển, Wakame – một loại tảo bẹ mỏng, Beni Shoga – gừng ngâm); Trứng luộc (Trứng sẽ được luộc lòng đào, sau đó được tẩm ướp với rượu ngọt, nước tương trong vài tiếng); Chả cá.
Trong nền ẩm thực đặc sắc của “xứ Phù Tang”, món mì Ramen có nhiều loại đa dạng, khác biệt từ cách chế biến cho tới loại nước dùng. Có loại Ramen sử dụng loại mì sợi to, có loại chuộng mì sợi mỏng. Mì Ramen cũng có nhiều cách ăn khác nhau, có loại ăn lạnh, có loại chấm mì vào nước dùng cho tới loại chan nước dùng lên mì.
2. Soba
Bên cạnh Ramen, món mì Soba cũng rất nổi tiếng và hiện diện tại mọi ngóc ngách của Nhật Bản. Món mì này có lịch sử rất lâu đời, cây kiều mạch được cho xuất hiện lần đầu từ thời Jomon. Vào thời Kamakura việc xay bột mì Soba đã trở nên dễ dàng do việc du nhập cối xay từ Trung Quốc sang. Nhờ đó, kiều mạch cũng trở nên phổ biến hơn với những món ăn như Sobagaki.
Vào thời đại Edo, sợi mì Soba có hình dáng như ngày nay xuất hiện, đồng thời các nhà hàng mì Soba được mở ra khiến mì Soba nhanh chóng trở thành món ăn được yêu chuộng bởi hầu hết người dân Nhật Bản. Ngày nay, mì Soba đã đi sâu vào đời sống của người Nhật như là Hikkoshisoba dùng để đem tặng hàng xóm khi họ chuyển nhà hay Nenkoshisoba được ăn trong ngày đầu năm mới.
Ngườì Nhật thường thưởng thức mì Soba theo hai cách: nóng và lạnh. Đối với dạng Soba lạnh, thực khách sẽ được phục vụ trên một khay tre gọi là “Zaru”, có tác dụng làm ráo nước của vắt mì. Đặc biệt khi ăn Soba lạnh không thể thiếu được nước sốt Tsuyu (được làm từ hỗn hợp Dashi, nước tương ngọt và mirin) tạo nên hương vị khó quên cho món mì lạnh này. Ngoài ra khi đến các nhà hàng Nhật bạn sẽ thấy soba lạnh thường được phục vụ cùng Wasabi và hành lá. Thực khách sẽ ăn mì Soba cùng với nước sốt hoặc có thể trộn thêm Wasabi và hành để làm tăng hương vị.
Trái ngược với mì Soba lạnh, Soba nóng được dùng vào mùa đông với nước dùng Dashi đặc trưng của Nhật Bản. Đôi khi cũng có thể là nước sốt Tsuyu nhưng có vị nhạt hơn so với Soba lạnh. Đặc biệt các nguyên liệu đi kèm với mì thường là những món theo dạng “mùa nào thức nấy”. Vì thế, khi thưởng thức Soba nóng, du khách sẽ thấy được những thức ăn mùa đông đặc trưng của người Nhật.
3. Udon
Cùng với Ramen, Soba, Udon cũng được xem là món mì quốc túy của nền ẩm thực “xứ sở hoa anh đào”. Udon có màu trắng, sợi mì to, hơi vuông được tạo từ các thành phần bột mì, muối, nước.
Mì Udon có thể ăn nóng hoặc lạnh tùy sở thích của mỗi thực khách. Mì Udon lạnh được ăn cùng một số loại rau như: bắp cải, dưa leo vào những ngày hè nóng nực. Trong khi đó, Udon nóng dưới dạng mì nước, như Kake Udon, trong một loại nước dùng có hương vị nhẹ gọi là Kakejiru, được làm từ Dashi, nước tương, và Mirin. Udon thường được bày biện với hành lá xắt nhỏ xếp bên trên. Các món ăn kèm thường gặp khác bao gồm: Tempura, thường là tôm cỡ lớn hoặc Kakiage (một loại vụn Tempura hỗn hợp), hoặc Aburaage, một loại đậu phụ chiên ngập dầu dạng túi được tẩm đường, Mirin, và nước tương. Người ta cũng hay thêm một lát mỏng Kamaboko, chả cá có hình bán nguyệt, và bột Shichimi cũng có thể được cho vào để tăng thêm hương vị.
Có nhiều loại hương vị nước dùng và đồ ăn kèm khác nhau, tùy vào vùng miền. Thông thường, các địa phương phía Đông sử dụng loại nước dùng màu nâu đậm, nấu từ nước tương đậm (Koikuchi Shōyu), và phía Tây thì dùng loại nước dùng màu nhạt hơn, nấu từ nước tương vị thanh hơn (Usukuchi Shōyu). Điều này đáng chú ý trong các loại mì ăn liền đóng gói, thường được bán riêng làm hai loại cho phía Đông và phía Tây. Currynanban là một biến thể phổ biến khác, được phục vụ trong nước dùng cà ri.
4. Sara Udon
“Sara Udon” là một món ăn đặc sản của Nagasaki. Mặc dù tên gọi là như vậy nhưng thực chất đây không phải là mì Udon, mà là mì chiên giòn. Nagasaki là một trong số ít các tỉnh chào đón các thương nhân từ Trung Quốc đến trong thời kỳ bế quan tỏa cảng ở Nhật Bản (1603 – 1868). Món mì xào kiểu Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho người dân địa phương ở đây và họ đã tạo ra phiên bản mới của món ăn này theo phong cách của riêng mình, từ đó món “Sara Udon” đã ra đời.
Một số nhà hàng sử dụng loại mì mỏng làm từ trứng được chiên giòn. Trong khi đó, một số khác lại sử dụng loại mì có sợi dày hơn của Trung Quốc. Mặc dù sợi mì có thể khác nhau, nhưng điểm chung là chúng đều được chế biến kèm với Kamaboko, tôm, thịt lợn, bắp cải và giá đỗ. Được nêm với nước sốt thơm ngon, đây quả là một món ăn bổ dưỡng tuyệt vời.
5. Somen
Ban đầu, Somen chỉ dành cho những người giàu có vào những dịp đặc biệt trong thời kỳ Kamakura (1185 – 1333). Tuy nhiên, đến thời Muromachi (1336 – 1573), các ngôi chùa Phật giáo ở Nhật Bản đã bắt đầu phục vụ Somen như một bữa ăn nhẹ trong ngày. Món ăn này sau đó dần trở nên phổ biến trong tầng lớp lao động, và cuối cùng đã trở thành một món ăn phổ biến vào mùa hè mà nhiều người Nhật ngày nay thường thưởng thức.
Mì Somen (sợi mì khá nhỏ, đường kính không quá 1.3mm, dai mềm) thường được phục vụ trong một tô nước lạnh đi kèm với đá. Để duy trì kết cấu mịn của sợi mì, chúng thường được phủ cùng với một lớp dầu mỏng. Để ăn chúng, thực khách chỉ cần nhúng mì vào nước sốt làm từ nước tương đi kèm.
Ngoài ra, còn một cách độc đáo khác để thưởng thức mì Somen đó là “Nagashi Somen”. Đây là tên gọi của món mì ống trúc, một món ăn khá độc đáo và công phu của người Nhật. Món mì sẽ được phục vụ trên các ống trúc dài, có dòng nước lạnh chảy mạnh, cuốn trôi những sợi mì, và nếu thực khách muốn thưởng thức thì sẽ phải nhanh tay gắp chúng để ăn. Trong tiếng Nhật, “Nagashi” có nghĩa là “dòng chảy”, miêu tả hình ảnh những sợi mì sẽ trôi theo dòng chảy để đến với thực khách. Có lẽ vì thế mà món mì độc đáo này mới có tên “Nagashi Somen”.
Trong món mì Nagashi Somen, những vắt mì Somen sẽ được thả trôi trên một máng nước chảy làm bằng ống trúc. Ngoài mì, người phục vụ cũng sẽ thả thêm một số rau củ, thịt…. vào ống trúc để thực khách thưởng thức trọn vẹn hương vị của món ăn.
Thực khách muốn đón được mì phải đứng 2 bên máng tre và nhanh tay vớt mì bằng đũa, sau đó thực khách chỉ cần chấm qua sốt Tsuyu là có thể thưởng thức vị lạnh và ngọt của nước cùng sợi mì dai mềm hấp dẫn. Tsuyu được làm từ khô cá ngừ Bonito hầm với tảo bẹ khô Kombu, đường, rượu gạo Mirin và xì dầu, thêm hành lá xắt nhỏ và vài lát gừng.
6. Kishimen
Mì Kishimen còn được gọi là mì dẹt, mì phẳng. Ở Nhật Bản, mì Kishimen được bán ở rất nhiều nơi nhưng tại Nagoya, món ăn này lại được thực khách đánh giá cao hơn. Tại Nagoya, món mì Kishimen được thực khách đánh giá cao là vì có vị dai ngon, hấp dẫn không nơi nào có được. Theo thời gian, Kishimen trở thành món ăn nổi tiếng trên toàn nước Nhật.
Một tô mì Kishimen đầy đủ bao gồm: chả cá, cá ngừ, đậu hũ chiên, mực khô, tôm chiên giòn và rắc thêm hành lá trang trí. Vì được làm từ lúa mạch nên mì Kishimen nấu nhanh hơn so với các loại mì thông thường. Món ăn này được rất nhiều thực khách ưa chuộng. Bởi lẽ nó không chỉ ngon, tiện lợi, mà còn rất nhiều dinh dưỡng
Bên cạnh cách nấu mì Kishimen thông thường, du khách đến Nagoya còn có thể ăn các món kết hợp với mì Kishimen như: cà ri Kishimen, Kishimen nấu chín trong Miso (món ăn được dùng trong mùa hè), Zaru Kishimen, Kishimen ướp lạnh,…
7. Hiyashi Chuka
Ra đời ở vùng Sendai cách đây gần một thế kỷ, Hiyashi Chuka đã trở thành món ăn biểu tượng cho mùa hè ở Nhật Bản. Món này chỉ được phục vụ trong những tháng nóng nực, các tấm biển thông báo “Ở đây có Hiyashi Chuka” là một dấu hiệu cho thấy mùa hè đã đến.
Hiyashi Chuka không chỉ ngon miệng mà còn “ngon mắt” bởi cách trình bày đa sắc màu, chắc chắn sẽ lôi cuốn ánh nhìn của thực khách. Với món ăn này, trước tiên, người ta luộc sợi mì cho chín rồi xả dưới nước lạnh, cho lên một chiếc bát nông và đặt vài viên đá vào mì để làm lạnh. Rau củ, thịt cũng được thêm vào để món ăn thêm phần hấp dẫn và đậm đà dinh dưỡng. Thịt thường là xúc xích, thịt nguội, xá xíu, thịt gà chiên. Rau thì sẽ chọn các loại rau quả mùa hè như: dưa leo, cà chua, rong biển, ngô (bắp), cà rốt, có cả trứng rán thái sợi, trứng luộc… Thay cho nước dùng thông thường, mì Hiyashi Chuka được ăn kèm với nước sốt Mentsuyu. Đó là hỗn hợp của giấm, nước tương Shoyu và vừng. Sốt được rưới ngay trước khi ăn, thực khách cần trộn thật đều. Món mì lạnh ăn kèm với nước sốt lạnh lại có vị chua sảng khoái sẽ tạo nên cảm giác cực “đã” khi ăn vào ngày hè nóng bức.
8. Hiyamugi
Thêm một món mì giúp làm dịu không khí nóng nực của ngày hè – Hiyamugi. Món ăn này được làm hoàn toàn từ lúa mì Hokkaido Kita Honami và đặc biệt được cắt rất mỏng (chỉ 1mm). Sợi mì Hiyamugi được ướp trong đá mát lạnh, ăn cùng với nước tương Tsuyu cùng một chút hành lá, rong biển và gừng đỏ. Với hương vị thanh mát, dịu nhẹ, đây chắc chắn sẽ là món ăn cực kỳ đưa miệng trong tiết trời mùa hè oi bức.
9. Yakisoba
“Yakisoba” là một món mì xào truyền thống của Nhật Bản thường được chế biến cùng với thịt lợn, bắp cải, tỏi tây, gừng, rong biển cùng nước sốt mặn ngọt kết hợp với sốt Worcestershire và dầu hào.
Yakisoba trở nên phổ biến tại Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi đó, bột mì cực kỳ đắt đỏ, vì vậy người ta thường chế biến món mì này bằng cách sử dụng bắp cải. Mặc dù nước tương ban đầu được sử dụng để tạo hương vị cho món ăn, nhưng nước từ bắp cải thường làm loãng hương vị, nên nước tương đã được thay thế bằng nước sốt Worcestershire. Yakisoba thường có giá khá rẻ, vì vậy nó nhanh chóng trở nên phổ biến trong tầng lớp lao động và lan rộng trên khắp Nhật Bản.
Một trong những thời điểm tốt nhất để ăn yakisoba là vào mùa hè tại các lễ hội truyền thống của Nhật Bản. Hãy mặc một bộ yukata và tận hưởng không khí lễ hội vui tươi với những tiếng cười và hương vị thơm ngon của yakisoba được nướng trên “teppanyaki” nhé!
10. Tokoroten
Tokoroten có thành phần chiết xuất từ rong biển, gọi là “Tengusa” và “Ogonori”. Đây là món ăn cực kì lâu đời, đã được người Nhật dùng trong hơn 1.000 năm. Tokoroten được cho là đã được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc trong thời kỳ Nara. Vào thời kỳ này, để làm được những sợi miến thạch Tokoroten, những người dân đã phải tốn rất nhiều công sức với các công đoạn thu hoạch, sấy khô và đặc biệt việc chiết xuất Galatin từ rong biển Tengusa không đơn giản chút nào. Bởi lẽ ấy mà lúc này Tokoroten là món ăn dành riêng cho vua chúa và các tầng lớp quý tộc. Tình cờ thay, vào năm 1685, một người chủ nhà hàng sau “tai nạn” nấu thừa nhiều mì, ông đành phải đổ ra tuyết lạnh. “Tai nạn” đó đã tạo ra bước ngoặt mới của loại mì này – Galetin Kanten.
Theo truyền thống Tokoroten được thực hiện bằng cách đun sôi Tengusa và sau đó để chúng đông lại như thạch. Món này có thể ăn nóng hoặc lạnh đều được, nhưng người ta lại chuộng kiểu gel khi ăn lạnh vì tính giải khát cao.
Thoạt nhìn, trông Tokoroten trong suốt như rau câu nhưng độc đáo nhất là chúng có hình dáng dài và mỏng. Tokoroten cứng và giòn. Tokoroten không ăn riêng lẻ mà còn kèm thêm các loại nguyên liệu khác để tăng thêm hương vị. Sự đa dạng của các loại sốt còn có sự khác biệt ở từng vùng miền. Ở vùng phía Đông nước Nhật, người ta thích ăn món này cùng với giấm gạo và nước tương, Mirin (rượu gạo ngọt), rong biển Nori, hạt vừng nướng và Karashi (mù tạt). Ăn kiểu vậy là ăn như một món ăn mặn thay thế cho bữa ăn, rất phù hợp cho những ai muốn giảm cân. Còn ở vùng Kansai phía Tây Nhật Bản, Tokoroten thường được phục vụ với các loại toppings ngọt như: đường đen Kuromitsu, bột đậu nành Kinako hay các loại trái cây theo mùa. Tokoroten cũng có thể xắt hạt lựu thành từng khối vuông nhỏ nhỏ. Ăn theo kiểu này là kiểu món “Dessert” mùa hè phổ biến.
11. Harusame
Cái tên cuối cùng không thể không nhắc đến trong danh sách các món mì Nhật Bản thơm ngon, hấp dẫn đó chính là Harusame. Sợi mì Harusame khả mảnh, màu hơi nâu vàng và trong suốt. Với độ dai mềm nhất định, mì Harusame thường được bắt gặp trong cả các món súp và món xào.
Thông thường, Harusame thường được nấu với nước dùng trong, thanh ngọt kèm tôm, đậu phụ, nấm mèo, ớt chuông và ít hành lá. Người Nhật tin rằng, thường xuyên ăn mì Harusame sẽ giúp có sức khỏe tốt và kéo dài tuổi thọ.
Mì là một trong những món ăn được yêu thích nhất ở Nhật Bản, và như du khách có thể thấy qua bài viết này, chúng có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Du khách có thể thưởng thức mì nóng trong mùa đông và mì lạnh vào mùa hè nóng ẩm của Nhật Bản. Du khách có thể thưởng thức mì sợi giòn, hoặc loại mì với kết cấu dai. Nếu du khách chưa có cơ hội nếm thử nhiều loại mì, hãy dành thời gian thưởng thức chúng trong chuyến du lịch Nhật Bản sắp tới của mình nhé!
Theo Tour 24H
2 months trước Viết bởi: horiadmin | Sự kiện
Đê Xuất Cho Bạn
Trà kombucha là thức uống có vị chua ngọt được lên men từ nước trà và đường. Không chỉ có những lợi ích sức khỏe từ trà, kombucha còn cung cấp một lượng vi sinh vật có lợi cho đường...
Cold cuts được phục vụ trong những bữa tiệc rượu vang hoặc các loại đồ uống có cồn khác, được ví như “bản hòa ca” đủ hương vị của ẩm thực phương Tây. Cold cuts (còn gọi là lunch meat,...
Bánh su kem (chou à la crème) là một trong những bánh ngon đến từ nước Pháp, gồm có hai phần: vỏ pastry giòn bên ngoài và nhân kem trứng ngọt mát bên trong. Chiếc bánh quen thuộc này không...
Từ gelato của Ý đến waffle kem của Bỉ hay món kem hình spaghetti của Đức, mỗi quốc gia tại châu Âu đều có cách biến tấu riêng để tạo ra những món kem lôi cuốn du khách. Đây không...
Texas, không chỉ là tiểu bang của những cánh đồng rộng lớn và lịch sử phong phú, mà còn là thiên đường của những tín đồ ẩm thực. Sự kết hợp độc đáo của văn hóa từ khắp nơi trên...